Tổng quan, thực trạng tổ chức và khai thác Du lịch tỉnh Long An

Long An là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Tỉnh lỵ là thành phố Tân An, cách TPHCM khoảng 45 km theo đường Quốc lộ 1A.

Long An nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Có vị trí địa lý thuận lợi, giáp ranhvới TP.HCM, có đường biên giới với Campuchia, có cửa khẩu quốc tế, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy tương đối hoàn thiện,… Đây là những điều kiện thuận lợi trong giao thương cũng như phát triển du lịch.

Long An luôn chú trọng và tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, đôn đốc doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ một số dự án như: khu di tích lịch sử và công trình văn hoá, khu văn hoá đa năng tại làng nổi Tân Lập, khu văn hoá đa năng Láng Sen, khu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, khu phức hợp giải trí Happy Land, điểm du lịch văn hoá thể thao Phước Lộc Thọ…

du-lich-long-an-1-e1622952454548-1669456312.jpg
 

Tiếp tục tập trung vốn ngân sách có trọng tâm nhằm kích cầu hoá đầu tư du lịch; đẩy mạnh xã hội hoá du lịch; tạo cơ chế thuận lợi, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và phát triển du lịch.

Có thể thấy Long An là địa phương sở hữu tiềm năng khá phong phú về tài nguyên du lịch, đặc biệt là tài nguyên du lịch tự nhiên dựa trên các giá trị cảnh quan sinh thái đặc trưng của vùng sinh thái Đồng Tháp Mười như Tân Lập – Láng Sen, hệ thống sông Vàm Cỏ…
Địa hình Long An bị chia cắt nhiều bởi hệ thống sông và kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài lên tới 8.912 km, sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây hợp thành sông Vàm Cỏ, kênh Dương Văn Dương,… trong đó lớn nhất là sông Vàm Cỏ Đông.

Long An còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử – văn hóa với 111 di tích lịch sử – văn hóa (21 di tích cấp quốc gia và 90 di tích cấp tỉnh); 2 bảo vật quốc gia; 5 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; trên 200 lễ hội với quy mô và tính chất khác nhau; 10 loại hình nghệ thuật truyền thống, 18 nghề truyền thống.

Các giá trị văn hóa lịch sử có giá trị mà tiểu biểu là cụm di tích Bình Tả (Đức Hòa), di tích lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức (Tân An), di tích Đồn Rạch Cát, Nhà Trăm Cột (Cần Đước), Chùa Tôn Thạnh (Cần Giuộc), di chỉ văn hóa Óc Eo…

Trên địa bàn tỉnh phát triển một số làng nghề truyền thống như làng dệt chiếu, làng nấu rượu Gò Đen, làng làm trống Bình An, làng đóng ghe mũi đỏ (Cần Đước)…, đều là những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Nằm ở khu vực giao thoa giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ, Long An được xem là một trong những địa phương có tiềm năng du lịch rất phong phú, đa dạng, đặc biệt là du lịch sinh thái vùng Đồng Tháp Mười. Thời gian qua, các khu du lịch sinh thái này được kêu gọi xã hội hóa, đầu tư có kế hoạch nhằm trang bị đầy đủ các hạng mục, dịch vụ phục vụ tốt nhất hoạt động du lịch sinh thái cho du khách, điển hình như: Khu du lịch làng nổi Tân Lập, Khu nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen…với hàng trăm hecta rừng nguyên sinh cùng hệ sinh thái đa dạng. Khi đến nơi đây vào mùa nước nổi, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian của vương quốc chim cò với mật độ dày đặc, thực vật mênh mông..

Ngoài lợi thế về du lịch sinh thái, du lịch Long An còn có điểm nổi bật với nhiều khu di tích lịch sử (DTLS) – văn hóa, danh lam thắng cảnh cần được xã hội hóa đầu tư, tôn tạo. Các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cũng cần được bảo tồn và phục dựng, từ đó góp phần thu hút du khách đến tham quan.

Từ nhiều năm nay, các ngành chức năng và doanh nghiệp kinh doanh lữ hành Long An luôn quan tâm, thường xuyên quảng bá thông tin, hình ảnh hoạt động du lịch trên báo, đài, cung cấp trên trang web tỉnh thông tin về các tour mới, sản phẩm mới theo mùa vụ, giới thiệu nhiều chương trình giảm giá tour cho từng mùa vụ nhằm kích cầu đối với khách du lịch. Bên cạnh đó, liên kết vùng cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với du lịch Long An nhằm tạo ra sản phẩm du lịch phong phú. Vì thế, Long An thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tp.HCM … nhằm phát huy tiềm năng về du lịch của các địa phương, tạo tiền đề cho sự hợp tác trong giai đoạn tới trên các lĩnh vực kinh nghiệm quản lý, quy hoạch, kêu gọi đầu tư, xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực… Ngoài ra, ngành còn thường xuyên cung cấp thông tin về các điểm du lịch, chương trình tour đến các doanh nghiệp, liên kết phối hợp xây dựng các sản phẩm du lịch, các tour du lịch kết nối với các tuyến, điểm du lịch giữa TP.HCM, Long An và các tỉnh lân cận.

Nhóm tác giả:

La Phi Long
Thân Hồng Hà
Nguyễn Trần Hoàng Phương
Trần Huỳnh Thị Kiều Hương
Nguyễn Hoàng Anh Như
Hồ Thị Phương

Tài liệu tham khảo: 

Aronsson, L. (2000). The development of sustainable tourism: Continuum.
Caneen, J. M. (2014). Tourism and cultural identity: The case of Polynesian Cultural Center. Athens Journal of Tourism, 1(2), 101-120.
Đặng Văn, X. (2009). Du lịch Long An với mục tiêu phát triển bền vững-hội nhập thành công.
Ellis, T. M. (2007). Going Native’: Tourism, Negotiable Authenticity and Cultural Production in the Polynesian Cultural Center and Tjapukai Aboriginal Cultural Park.
Foster, D. I. (2005). Công nghệ du lịch. In: Thống kê.
Giang, H. T. T. (2012). Phát triển du lịch bền vững tỉnh Đồng Tháp: Hiện trạng và định hướng. Luận văn thạc sỹ,
Giao, H. N. K. (2011). Giáo trình “Marketing Du lịch”. Retrieved from
Harris, R., Williams, P., & Griffin, T. (2012). Sustainable tourism: Routledge.
Hoàng, N. H. (2019). Du lịch Du thuyền sản phẩm tiềm năng trên sông Sài Gòn.
Hòe, N. Đ., & Hiếu, V. V. (2001). Du lịch bền vững. NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
Huân, Đ. D., & Đoàn, N. Á. (2014). Phát triển du lịch bền vững Bà Rịa–Vũng Tàu. Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội,
Hunter, W. C. (2010). Groomed spaces on Jeju Island: A typology of photographic representations for tourism. International Journal of Tourism Research, 12(6), 680-695.
Jansen-Verbeke, M., & Go, F. (1995). Tourism development in Vietnam. Tourism Management, 16(4), 315-321.
Lưu, N. V. (1998). Thị trường du lịch. NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
Lưu, N. V. (2006). Phát triển du lịch cộng đồng trong bối cảnh kinh tế thị trường. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Bảo vệ môi trường du lịch với sự tham gia của cộng đồng.
McIntyre, G. (1993). Sustainable tourism development: guide for local planners: World Tourism Organization (WTO).
Modica, P., & Uysal, M. (2016). Sustainable island tourism: Competitiveness and quality of life: CABI.
Phan, H. X. (2017). Nhận thức về “văn hóa du lịch” và “du lịch văn hóa”.
THUẬT, K. (2006). Du lịch sinh thái.
Thức, N. V. (2011). Tiềm năng, thực trạng và định hướng khai thác tài nguyên du lịch tỉnh Long An cho phát triển du lịch bền vững: Luận văn Thạc sĩ Địa lý học chuyên ngành Địa lí học (trừ Địa lí tự nhiên).

NHÓM TÁC GIẢ

Link nội dung: https://ist.org.vn/tong-quan-thuc-trang-to-chuc-va-khai-thac-du-lich-tinh-long-an-214.html