Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao

Một trong những nhiệm vụ cần triển khai của Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao một cách đồng bộ và hiệu quả. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ này đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

cao-dang-du-lich-lu-hanh-hoc-nhung-gi-tai-htt-1-1669458665.jpg
 

Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực du lịch hiện nay ở Việt Nam cho thấy: Tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch còn thấp, chỉ chiếm khoảng 43% tổng số lao động du lịch, trong đó có hơn một phần hai số lao động không biết ngoại ngữ. Năng suất lao động trong ngành du lịch nước ta chỉ bằng một phần mười lăm của Xin-ga-po, một phần mười của Nhật Bản và một phần năm của Ma-lai-xi-a. Qua đó, có thể thấy cái thiếu của du lịch Việt Nam không phải là nhân lực phổ thông mà là nhân lực chất lượng cao. Trong lĩnh vực này, du lịch nước ta cần khắc phục một số vấn đề còn hạn chế, trong đó có chương trình đào tạo chưa thống nhất, mã ngành đào tạo chưa cập nhật, chưa thật sự đáp ứng nhu cầu xã hội; chưa áp dụng triệt để các tiêu chuẩn kỹ năng nghề trong việc xây dựng chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo du lịch ở các cấp độ còn thiếu tính đồng nhất, nhất là đối với các cơ sở không đào tạo chuyên ngành du lịch; các cơ sở mở mã ngành đào tạo cần tham khảo ý kiến và có sự thống nhất giữa các bộ, ngành liên quan tránh trường hợp mở mã ngành đào tạo du lịch tràn lan không có sự quản lý của Nhà nước.
 
Một trong các trở ngại đào tạo du lịch là chất lượng đội ngũ giảng viên còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn. Phần lớn giáo viên, giảng viên ở các trường có đào tạo về du lịch được đào tạo từ các ngành khác, cơ bản là từ các khối ngành văn hóa, xã hội hoặc quản trị kinh doanh. Việc giảng dạy về du lịch chủ yếu dựa vào vốn kiến thức tự học, tổng hợp từ nhiều nguồn và từ kinh nghiệm của các giảng viên. Trong điều kiện hội nhập hiện nay, ngoài yếu tố tích hợp tiêu chuẩn trong nước và quốc tế đối với chuyên môn nghiệp vụ trong khuôn khổ chương trình cho phép thì khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ và công nghệ thông tin để nâng tầm trong công tác giảng dạy là yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên. Tuy đã có những cải thiện đáng kể với các chương trình đào tạo bổ sung, song chưa thể đạt chuẩn khu vực và quốc tế, nhất là về ngoại ngữ. Giảng viên dạy thực hành phải là những người có tay nghề cao, có uy tín trong lĩnh vực họ giảng dạy và phải có trình độ sư phạm giỏi, yêu nghề và toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp đào tạo.

Bên cạnh đó, cần khắc phục những yếu kém, thiếu thốn về cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy, học tập ngành du lịch. Trong khi đó, đội ngũ lãnh đạo, quản lý ở các cơ sở đào tạo du lịch phần lớn còn yếu về năng lực chuyên môn, phương pháp quản lý, thiếu tìm tòi sáng tạo và áp dụng những kinh nghiệm hay của các cơ sở đào tạo tiên tiến trong và ngoài nước cho cơ sở đào tạo của mình, còn trông chờ vào cơ quan chủ quản, máy móc trong tư duy. Có những cơ sở bổ nhiệm lãnh đạo chưa đủ tiêu chuẩn tạo ra hiệu quả thấp trong công tác quản lý. Phương pháp giảng dạy tại nhiều trường du lịch còn nặng về lý thuyết, coi nhẹ hay lẩn tránh thực hành trong khi việc đào tạo nghề du lịch cần ưu tiên cho thực hành ở tỷ lệ cao. Đây là dấu hiệu của chất lượng giảng viên yếu và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy không bảo đảm, học sinh, sinh viên không được thực hành nghề nghiệp dẫn đến khi ra trường các doanh nghiệp phải đào tạo lại sau khi nhận người vào làm.

Cũng từ thực trạng nêu trên, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng thống nhất và đưa ra chương trình chung cho các cơ sở đào tạo với tiêu chí bám sát tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tăng cường tỷ lệ thực hành, thí điểm đào tạo một số ngành nghề bằng tiếng Anh; xây dựng khung chương trình đào tạo tiên tiến, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu xã hội và tạo dựng mối liên hệ có trách nhiệm giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp du lịch. Trên cơ sở nhu cầu việc làm, đơn đặt hàng từ doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo sẽ xây dựng chỉ tiêu, tiêu chí đào tạo hằng năm và doanh nghiệp cũng cần tạo điều kiện cho sinh viên thực hành tại cơ sở của mình, từ đó triển khai việc kiểm tra, tuyển dụng nhân viên sau khóa học. Đội ngũ giảng viên về du lịch cần thường xuyên đầu tư nâng cao tay nghề, trình độ sư phạm, kỹ năng thực hành, được tham khảo, học hỏi các cơ sở đào tạo tiên tiến trong nước và nước ngoài, có sự trao đổi lựa chọn lực lượng giảng viên giữa các cơ sở đào tạo với nhau thông qua hội đồng hiệu trưởng.

Hằng năm, ngành du lịch và các trường cần tổ chức Hội thi tay nghề Du lịch toàn quốc, tiến tới Hội thi tay nghề Du lịch ASEAN cho nguồn nhân lực lao động du lịch cả nước và giảng viên các cơ sở đào tạo, bên cạnh mục tiêu tôn vinh người lao động, từ hội thi có thể tìm ra những tài năng, những kinh nghiệm quý giá trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch, lựa chọn bổ sung cho đội ngũ giảng viên có tay nghề cao của các trường đào tạo nghề du lịch.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội, ngành du lịch và các bộ, ngành liên quan cần chủ động và tạo điều kiện cho công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới.

GS.TS. ĐÀO MẠNH HÙNG, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo Du lịch

Link nội dung: https://ist.org.vn/dao-tao-nguon-nhan-luc-du-lich-chat-luong-cao-225.html