Theo số liệu thống kê năm 2015, ngành du lịch đã đón được 7,94 triệu lượt khách quốctế và 57 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 338.000 tỷ đồng; đóng góp trực tiếp 6,6% GDP. Với trên 1550 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và trên 10.000 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa, cùng với 18.800 cơ sở lưu trú du lịch với trên 355.000 buồng phòng đạt tiêu chuẩn; ngành du lịch đã tạo việc làm cho trên 2,25 triệu lao động, trong đó có trên 750.000 lao động trực tiếp.
Tuy nhiên với nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên và văn hóa phong phú, đặc sắc như nước ta thì những kết quả mà ngành du lịch đã đạt được nêu trên vẫn chưa thực sự tươngxứng, đòi hỏi nghành du lịch và cả nước phải cùng quyết liệt tìm ra và thực hiện bằng được một số giải pháp cấp bách, tạo đột phá đưa du lịch sớm thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Theo tôi, một trong những khâu quan trọng trong những giải pháp đó là đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của ngành kinh tế dịch vụ theo các qui luật của kinh tế thị trường và hội nhập, bởi sự thành công của bất kỳ doanh nghiệp du lịch hay một quốc gia nào muốn phát triển du lịch sẽ phụ thuộc rất lớn vào yếu tố con người. Nguồn nhân lực du lịch đòi hỏi công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch cần phải được quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển xứng đáng, thâm chí là phải đi trước một bước. Chính phủ cũng đã ban hành kế hoạch hành động của ngành, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ XIII, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 29/NQ/TW ngày 04/11/2013) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã xây dựng và ban hành Qui hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch giai đoạn 2011 – 2020 (Quyết định số 3066/QĐ-BVHTTDL ngày 29/9/2011) với mục tiêu, kế hoạch, lộ trình triển khai, đảm bảo đến năm 2020 có đội ngũ nhân lực du lịch đạt chuẩn cao; đáp ứng yêu cầu thực tiễn của ngành, các doanh nghiệp và xã hội, đưa ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Thực trạng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam:
Với qui mô số lượng lao động khoảng 2,25 triệu người, chiếm khoảng 4% lực lượng lao động cả nước, nhưng về chất lượng thì còn rất khiêm tốn, Hiện chỉ có xấp xỉ 50% lao động du lịch đã qua đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng (chiếm khoảng 20% nhân lực toàn ngành). Số lao động đã qua đào tạo trình độ đại học và sau đại học về du lịch đạt khoảng 7,5% số nhân lực có chuyên môn du lịch (chiếm khoảng 3,2% tổng nhân lực lao động du lịch). Trong khi số lao động du lịch dưới sơ cấp (đào tạo truyền nghề dưới 3 tháng) vẫn còn chiếm hơn 45% nhân lực có chuyên môn, bằng gần 20% nhân lực toàn ngành.
Nguồn nhân lực tri thức của ngành như hướng dẫn viên du lịch, nhân viên marketing du lịch, nhân viên lễ tân cũng chỉ đạt trên 65% đã tốt nghiệp đại học. Trong lĩnh vực phục vụ buồng, bar, bếp, lao động có trình độ sơ cấp, trung cấp lại chiếm tỷ lệ tương đối cao là trên 70%. Số lao động gián tiếp của của ngành du lịch có khoảng trên 1, 3 triệu người, trong đó trình độ dưới sơ cấp là 725 nghìn người (chiếm khoảng 55%), lao động có trình độ sơ cấp khoảng gần 240 nghìn người (chiếm gần 18%), có trình độ trung cấp khoảng trên 200 nghìn người (chiếm trên 15%), đại học và cao đẳng khoảng trên 160 nghìn người (chiếm trên 12%), số nhân lực trên đại học có 2.656 người bằng 0,2 tổng nhân lực gián tiếp.
Về trình độ ngoại ngữ: nhân lực du lịch sử dụng được ngoại ngữ đạt khoảng 60% tổng nhân lực, trong đó biết tiếng Anh khoảng 42%, tiếng Hoa là 5%, tiếng Pháp là 4%, các tiếng khác là 9%. Riêng tiếng Anh thì chỉ có 15% đạt trình độ đại học, giao tiếp thông thạo (phần lớn làm hướng dẫn viên du lịch, lễ tân khách sạn và nhân viên thị trường), còn lại 85% chỉ đạt mức cơ sở.
Về trình độ tin học (công nghệ thông tin): Toàn ngành có khoảng trên 400 nghìn người biết sử dụng máy tính phục vụ được yêu cầu công việc, chiếm khoảng 68% tổng nhân lực lao động trực tiếp; như vậy vẫn còn tới trên 190 nghìn nhân lực du lịch không biết sử dụng máy tính phục vụ yêu cầu công việc.
Về tính chuyên nghiệp:Theo đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và của các doanh nghiệp du lịch thì tính chuyên nghiệp của nhân lực du lịch sau khi tốt nghiệp đào tạo ra trường còn rất thấp: nhân lực đầu ra từ trung cấp trở lên đạt khoảng 3,05 điểm/ trên 5 điểm (tối đa), đầu ra từ sơ cấp chỉ đạt dưới 3,0 điểm/ trên 5 điểm.
Thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch:
Cả nước hiện có 156 cở sở tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch gồm 48 trường đại học, 43 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp, 23 trung tâm đào tạo nghề và 2 công ty đào tạo. Các cơ sở đào tạo du lịch trực thuộc Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, các địa phương. Chỉ có duy nhất một cơ sở đào tạo trực thuộc doanh nghiệp là Trường Trung cấp du lịch – khách sạn Saigontourist của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn.
Hàng năm các cơ sở đào tạo du lịch cho tốt nghiệp ra trường được khoảng 20.000 sinh viên học viên trên khoảng 22.000 học sinh tuyển dụng đầu vào. Trong đó có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, 2100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, khoảng 18.200 học viên hệ trung cấp, ngoài ra còn có khoảng 5.000 sơ cấp và đào tạo truyền nghề dưới 3 tháng.
Hiện vẫn chưa có trường đại học đào tạo chuyên ngành du lịch, và các trường đại học và cao đẳng chuyên nghiệp có chương trình đào tạo ngành học du lịch cũng chưa có thống nhất cơ bản được chương trình khung đào tạo; hệ đào tạo nghề du lịch cũng đang tồn tại nhiều hệ thống trên chuẩn khác nhau: Hệ thống trên chuẩn nghề quốc gia có 8 nghề thuộc nhóm du lịch, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, Hệ thống trên chuẩn kỹ năng nghề du lịch VTOS gồm 10 nghề do dự án EU hỗ trợ xây dựng, hệ thống trên chuẩn kỹ năng nghề ASEAN gồm 6 nghề đã được bộ trưởng các nước ASEAN ký cam kết thực hiện.
Việc tồn tại cùng lúc nhiều hệ thống trên chuẩn như vậy cũng gây khó khăn cho việc quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như lúng túng cho các doanh nghiệp sử dụng nhân lực du lịch.
Nguồn nhân lực du lịch trên đại học hiện có 11 trường Đại học đào tạo Thạc sỹ du lịch, trong khi đó Bộ Giáo dục – Đào tạo chỉ quy định có 3 mã ngành đào tạo đại học du lịch và một mã ngành đào tạo thạc sỹ, không có mã ngành đào tạo tiến sỹ du lịch khiến hạn chế việc đào tạo chuyên sâu về du lịch.
Về đội ngũ giảng viên, giáo viên, đào tạo viên du lịch:
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có khoảng 5.000 người tham gia đào tạo mới về du lịch, trong đó có 2.000 giáo viên, giảng viên (cả cơ hữu và thỉnh giảng), 2580 đào tạo viên du lịch và 540 cán bộ quản lý, phục vụ đào tạo các cấp. Trong số đó có 2 Giáo sư, 11 Phó Giáo sư, 1 Tiến sỹ khoa học, 36 Tiến sỹ, 210 Thạc sỹ và 5 chuyên gia, nghệ nhân.
Với thực trang công tác đào tạo nhân lực du lịch hiện nay, chúng ta mới chỉ đáp ứng được xấp xỉ 60% nhu cầu về số lượng và còn khoảng cách xa về trình độ chất lượng nguồn nhân lực du lịch so với yêu cầu của ngành, của doanh nghiệp và xã hội.
Đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịchViệt Nam
– Hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Bổ sung những nghề du lịch còn thiếu.
Xây dựng và ban hành trên chuẩn kỹ năng nghề du lịch quốc gia.
Thống nhất công bố chuẩn chất lượng đầu ra của đào tạo nhân lực du lịch giữa các Bộ liên quan: Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Ban hành danh mục nghề nghiệp phải qua đào tạo du lịch. Cấp thêm mã ngành đào tạo ở bậc trên đại học cho ngành du lịch.
– Tăng cường quản lý nhà nước và đào tạo nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu xã hội và hội nhập.
– Tăng cường năng lực của các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch, cả về cơ sở vật chất trang thiết bị đào tạo cũng như đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, giảng viên. Cập nhật đổi mới xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo du lịch tiên tiến.
– Hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp sử dụng du lịch đầu ra trong công tác đào tạo; hợp tác Quốc tế về đào tạo nhân lực du lịch đạt chuẩn quốc gia, quốc tế.
– Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến trong công tác nghiên cứu, đào tạo du lịch như đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến (E-learning), xây dựng giáo trình đào tạo du lịch điện tử…
– Khuyến khích và thực hiện xã hội hóa trong đào tạo nhân lực du lịch, tạo cơ chế và điều kiện để các thành phần xã hội, trong và ngoài nước có thể tham gia góp vốn, kiến thức,… cho công tác đào tạo nhân lực du lịch.
– Nâng cao vai trò và sự tham gia của Hiệp hội Du lịchViệt Nam, Liên chi hội Du lịch Đào tạoViệt Nam nhằm kết nối cung cầu, liên kết đào tạo, thẩm định chất lượng đào tạo…
Trên đây là một số ý kiến về thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, xin báo cáo Hội nghị (tọa đàm) tham khảo, bổ sung vào giải pháp tổng thể “Phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước” đúng như khẳng định, quyết tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, mong đợi kỳ vọng của ngành du lịch và toàn xã hội.
Bài tham luận tại : Tọa đàm “Giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trở thành Ngành kinh tế mũi nhọn”.
Ông Lưu Đức Kế – Nguyên Giám đốc Công ty Lữ hành HanoiTourist
Link nội dung: https://ist.org.vn/tai-lieu-tham-luan-thuc-trang-va-cac-giai-phap-phat-trien-nguon-nhan-luc-du-lich-viet-nam-229.html