Tài liệu tham luận: "Thực trạng phát triển du lịch sinh thái Cà Mau"

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt năm 2012, "tham quan Đất Mũi và du lịch sinh thái Khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau là sản phẩm đặc thù và nổi trội của Cà Mau".

khu-du-lich-sinh-thawi-quoc-te-ca-mau-giai-tri-1669460540.jpg
 

I.    ĐẶT VẤN ĐỀ

Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Tổng cục Du lịch (2013) chỉ rõ với các thế mạnh về hệ sinh thái ngập nước, hệ thống các vườn quốc gia và hệ sinh thái biển; du lịch sinh thái đất ngập nước là một trong những hướng khai thác sản phẩm chủ yếu của Vùng Du lịch ĐBSCL. Trong đó, khu vực tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu sở hữu phần lớn diện tích rừng ngập mặn, chiếm trên 80% rừng ngập mặn ven biển, đóng góp quan trọng vào du lịch sinh thái đất ngập nước của vùng hạ lưu sông Mêkông (Tổng cục Du lịch, 2015). Vì vậy, Quy hoạch đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL (Tổng cục Du lịch, 2015) xác định tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị các hệ sinh thái, đa dạng sinh học đất ngập nước tại các vườn quốc gia tỉnh Cà Mau là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ĐBSCL.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt năm 2012, "tham quan Đất Mũi và du lịch sinh thái Khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau là sản phẩm đặc thù và nổi trội của Cà Mau". Tuy vậy, trong quá trình phát triển du lịch sinh thái, du lịch Cà Mau gặp phải một số khó khăn dẫn đến những hạn chế bên cạnh những thành tựu đạt được. Bài tham luận "Thực trạng phát triển du lịch sinh thái Cà Mau" sẽ khái quát tiềm năng, thực trạng phát triển du lịch sinh thái tỉnh Cà Mau và chia sẻ một số kinh nghiệm của ngành du lịch Cà Mau trong quá trình phát triển.

II.     KHÁI QUÁT TIỀM NĂNG DU LỊCH SINH THÁI TỈNH CÀ MAU

Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, địa danh Đất Mũi có sức vẫy gọi tự thân. Có thể nói rằng chưa đến Cà Mau là chưa đến ĐBSCL, bởi đi đến hết mũi đất Cà Mau mới là một ĐBSCL vẹn toàn - một ĐBSCL nằm trọn trong thể thống nhất từ đỉnh Lũng Cú đến Mũi Cà Mau.

Cà Mau có diện tích 5.294km2, bằng 1,58% diện tích cả nước, chiếm 12,97% diện tích khu vực ĐBSCL. Cà Mau là tỉnh có đường bờ biển dài nhất Việt Nam, với tổng chiều dài 254km, tiếp giáp biển Tây và biển Đông. Tại Đất Mũi Cà Mau phù sa lắng đọng thành những bãi bồi rộng lớn, vươn ra khơi xa. Mỗi năm đất lấn thêm ra biển trên đất bãi bồi từ 80 đến 100m. Người ta thường nói "Ở Cà Mau đất biết nở, cây biết đi". Dân số của Cà Mau đến năm 2014 là 1.216.388 người, mật độ dân số trung bình là 230 người/km2.

Cà Mau có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau được tổ chức UNESCO công nhận vào tháng 5/2009 với diện tích tự nhiên 371.506ha, bao gồm Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ, Rừng phòng hộ và bãi bồi ven biển Tây. Đây là rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam và nổi tiếng trên thế giới, lưu giữ được diễn thế nguyên sinh của hệ sinh thái rừng ngập mặn trên đất mới bồi tụ. Những giá trị tự nhiên quý hiếm của Khu Dự trữ sinh Quyển thế giới Mũi Cà Mau tạo ra những thế mạnh lớn phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch sinh thái.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có tổng diện tích tự nhiên là 41.862 ha, trong đó diện tích phần đất liền 15.262ha và ven biển 26.600ha. Tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có điểm du lịch Công viên Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau với diện tích 159,7ha là vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc thiêng liêng mà bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng mong ước một lần được đến. Du khách tham quan Cột mốc Tọa độ quốc gia GPS0001 và biểu tượng tiểu cảnh panô hình tượng chiếc thuyền căng đầy gió, con tàu của đất nước luôn hướng ra biển khơi, chinh phục Vọng lâm đài, ngắm toàn cảnh điểm giáp nhau giữa biển Đông và biển Tây, thưởng thức các món đặc sản vùng Đất Mũi.

Cùng với hệ sinh thái ngập mặn, Cà Mau còn có hệ sinh thái rừng ngập ngọt tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ có tổng diện tích 40.744ha, trong đó có 8.527,8ha là rừng nguyên sinh. Du khách có thể theo chân những người thợ gác kèo ong vào rừng ăn ong, lấy mật và tham gia vào các thú vui dân dã như chụp đìa, giăng lưới, câu cá, đặt lờ, thả câu...thưởng thức các món ăn đặc sản của xứ sở rừng tràm, nhâm nhi ly rượu trái giác, thứ nho rừng trứ danh của vùng đất U Minh.

III.    THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI TỈNH CÀ MAU

1.    Những thành tựu đạt được

Trong nhiều năm liền, ngành du lịch Cà Mau luôn tăng trưởng. Năm 2015, tỉnh Cà Mau đón 986.550 lượt khách du lịch, đạt doanh thu 300 tỷ đồng, tăng 7,57% về số lượng và 9,01% về giá trị so với năm 2014. Kết quả này là do tỉnh tập trung phát huy những thế mạnh về tài nguyên du lịch sinh thái cũng như nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch cùng với sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan ban ngành đối với lĩnh vực du lịch.

Trong cơ cấu ngành du lịch Cà Mau, du lịch sinh thái đóng vai trò quan trọng, vừa là bộ phận chính, vừa đóng vai trò làm đòn bẩy cho các loại hình du lịch khác. Xác định được điều đó, chúng tôi đã đề ra những chính sách, chiến lược, đề án thực hiện những giải pháp quy hoạch phát triển du lịch sinh thái sâu và rộng. Một số giải pháp bước đầu gặt hái được những thành công nhất định:

-    Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái: Công tác quy hoạch được đánh giá là nền tảng để từ đó định hướng, định hình các sản phẩm, loại hình du lịch. Cà Mau đã tập trung xây dựng nhiều quy hoạch, đề án phát triển du lịch được UBND tỉnh phê duyệt như Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch chi tiết xây dựng Công viên Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau; Quy hoạch chi tiết điểm du lịch Khai Long, Khu du lịch Năm Căn; Đề án xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch Đất Mũi giai đoạn 2015-2020... Trên cơ sở quy hoạch, tiến hành đầu tư một số hạng mục hạ tầng nhằm tạo động lực và điều kiện phát triển du lịch sinh thái. Đây là những cơ sở quan trọng để kêu gọi đầu tư, hướng dẫn phổ biến đến đơn vị kinh doanh và người dân địa phương để cùng chung tay phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái của tỉnh.

-    Xây dựng thành công mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng: Thời gian qua, mô hình này được thực hiện trên một số hộ dân tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ đạt được những kết quả đáng khích lệ và tiếp tục được nhân rộng một cách có chọn lọc theo quy hoạch. Loại hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng là hình thái du lịch với nhiều ưu điểm về bảo vệ môi trường, tạo ra lợi ích kinh tế cho người dân thông qua việc trao quyền cho cộng đồng, tăng cường sự tham gia của họ trong việc ra quyết định, chia sẻ lợi ích kinh tế từ du lịch cho nền kinh tế địa phương. Ngoài ra, việc hình thành các điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại các vườn quốc gia còn góp phần tích cực trong việc khôi phục các nguồn lợi thủy sản, động thực vật đặc sản, bảo vệ phát triển rừng và môi trường bền vững, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, đại diện cho du lịch Cà Mau, tạo nét khác biệt với các sản phẩm du lịch khác của vùng.

-    Phát triển du lịch kết hợp với bảo vệ môi trường: Xác định hoạt động du lịch sinh thái không thể tách rời môi trường tự nhiên, chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường tổ chức các đợt tập huấn kiến thức về Luật Môi trường, giới thiệu các giải pháp thực hiện bảo vệ môi trường, chủ động phổ biến Quy chế hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch - lữ hành tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường.

-    Đa dạng hóa sản phẩm du lịch: Tại các điểm du lịch như Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Đất Mũi còn có các sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đặc sắc. Tiêu biểu như sản phẩm vào rừng ăn ong, trải nghiệm các thú vui dân dã như chụp đìa, giăng lưới, câu cá, đổ lợp… tại Vườn quốc gia U Minh Hạ; Hành trình trải nghiệm cuộc sống người nông dân vùng cực Nam Tổ quốc tham gia hoạt động xổ vuông, sạc sò, bắt ốc len cùng với các hộ dân xã Đất Mũi... Dọc theo các tuyến, các điểm dừng chân được quy hoạch xây dựng để khách du lịch dừng chân và thưởng thức và mua sắm các đặc sản như mật ong rừng U Minh, Rượu trái giác, Rượu Tân Lộc, Tôm khô, Khô cá bổi và các loại khô khác...

-    Làm tốt công tác thông tin, quảng bá du lịch: Phát hành ấn phẩm phục vụ công tác thông tin du lịch như bản đồ du lịch, đĩa phim tư liệu, sách hướng dẫn và nội dung Cổng thông tin điện tử về du lịch Cà Mau camautourism.vn cung cấp đến nhà đầu tư và du khách những thông tin hũu ích. Tích cực tham gia các chương trình, sự kiện du lịch trong và ngoài nước, tham gia gian hàng trong các hội chợ triển lãm cấp vùng và cấp quốc gia với vai trò là nhà xúc tiến, quảng bá cho du lịch Cà Mau.

2.    Những mặt hạn chế

-    Khó khăn về cơ sở hạ tầng: Giao thông đi lại đến các điểm du lịch trọng điểm vẫn còn một số trở ngại. Hiện nay một số xe lớn (45 chỗ) không thể đến được Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ, gây khó khăn cho các hãng lữ hành về mặt chi phí, công tác sắp xếp, điều hành... Ngoài ra, các cơ sở phục vụ du lịch trong tỉnh, đặc biệt là khách sạn vẫn còn hạn chế, chưa đủ đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách vào dịp cuối tuần, mùa cao điểm.

-    Khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư: Những chính sách thuê môi trường rừng của chủ rừng (02 vườn quốc gia) còn chưa hoàn thiện, gây nhiều khó khăn, vướng mắt trong công tác quy hoạch nói chung và thực hiện nói riêng. Từ đó, ngành du lịch gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhiều dự án được triển khai mời gọi nhưng các doanh nghiệp còn do dự đầu tư do các chính sách đầu tư chưa thật sự cởi mở, thông thoáng.

-    Hạn chế về mặt nhận thức của người dân địa phương về hoạt động kinh doanh du lịch: Người dân ở các địa bàn trong tỉnh đặc biệt là 02 vườn quốc gia đa phần là nông dân, nhận thức về du lịch còn hạn chế. Sở đã gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục và động viên các hộ tham gia kinh doanh du lịch như một hoạt động kinh tế của mình.

-    Hạn chế về trình độ chuyên môn của lực lượng lao động trong ngành du lịch: Cũng như các địa phương khác trong khu vực ĐBSCL, lực lượng lao động trong ngành du lịch Cà Mau còn hạn chế về trình độ văn hóa và nghiệp vụ chuyên môn. Mặc dù chúng tôi cố gắng tổ chức những đợt tập huấn, đào tạo nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng chuyên môn cho lực lượng lao động trong ngành du lịch song số lượng đào tạo vẫn còn ít so với nhu cầu thực tế. Đây là khó khăn rất lớn cho ngành du lịch Cà Mau để đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch, tạo sự hài lòng cho du khách.

IV.     MỘT SỐ KINH NGHIỆM

-    Tận dụng tối đa sự tham gia của cộng đồng: Đây là một trong những yếu tố mấu chốt của du lịch sinh thái. Cộng đồng là người dân sinh sống, gắn bó lâu dài tại các điểm du lịch. Họ am hiểu sâu sắc về thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên cũng như nét văn hóa địa phương. Ngoài ra, người dân Nam Bộ đậm chất phóng khoáng, hiền hòa, thân thiện và rất mến khách là những hướng dẫn viên du lịch tuyệt vời, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.

-    Chú trọng vào việc kêu gọi đầu tư: Nếu như cộng đồng địa phương là mấu chốt của du lịch sinh thái thì nhà đầu tư chính là động lực thúc đẩy hoạt động du lịch. Từ thực tiễn khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư, chúng tôi rút ra kinh nghiệm trong việc cần phải chủ động phối hợp xây dựng những chính sách kêu gọi đầu tư một cách thống nhất, đơn giản và khuyến khích đầu tư, tạo ra những cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.
-    Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù: Nét độc đáo, sự khác biệt và sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương tạo ra sức hút cho ngành du lịch của tỉnh. Tạo ra nhiều hơn những sản phẩm mà các địa phương khác không thể thay thế được sẽ tạo động cơ cho du khách đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm. Khi mỗi địa phương đều có những sản phẩm du lịch đặc thù sẽ không còn hiện tượng sản phẩm du lịch trùng lắp, đồng thời tạo điều kiện liên kết phát triển, xây dựng tour tuyến du lịch cho toàn vùng.

-    Chú trọng công tác xúc tiến, thông tin và quảng bá du lịch: Công tác xúc tiến, thông tin và quảng bá du lịch cần trở thành nội dung quan trọng không thể thiếu đối với doanh nghiệp du lịch mà với các nhà quản lý ở các ngành các cấp. Để xúc tiến trong địa phương, cần làm cho người dân có ý thức tự hào về con người và thiên nhiên của địa phương mình.

Tỉnh Cà Mau và khu vực ĐBSCL có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Đây là hướng đi đúng cho ngành du lịch của vùng, phù hợp với xu thế của thế giới, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của khách du lịch. Từ những kinh nghiệm rút ra sau những thành công và thất bại, tin rằng du lịch sinh thái ĐBSCL nói chung và của tỉnh Cà Mau nói riêng sẽ có những bước phát triển mới, trở thành những điểm đến hấp dẫn của cả nước, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, tối ưu hóa các giá trị tạo ra của ngành./.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau

Link nội dung: https://ist.org.vn/tai-lieu-tham-luan-thuc-trang-phat-trien-du-lich-sinh-thai-ca-mau-233.html