Giải pháp phát triển du lịch bền vững

Du lịch hiện nay được định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Phát triển Du lịch dựa trên sự khai thác các yếu tố tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn, văn hóa của từng địa phương.

Nhưng nếu không biết khai thác tiềm năng du lịch một cách hợp lý, sẽ làm suy giảm chất lượng môi trường và ảnh hưởng tới phát triển du lịch. Bài viết đã nêu rõ xu thế phát triển du lịch bền vững trên thế giới và tại Việt Nam đồng thời đưa ra một số giải pháp phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam.

nhung-dieu-can-biet-ve-du-lich-ben-vung-7-1669457271.jpg
 

Từ khóa: du lịch bền vững, rác thải, môi trường, năng lượng.

1. Xu thế phát triển du lịch bền vững trên thế giới và tại Việt Nam

Năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế vượt 1,5 tỷ lượt và dự kiến sẽ lên tới 1,8 tỷ lượt vào năm 2030. Tuy nhiên, khi du lịch phát triển đồng thời cũng là mối đe dọa đến các sinh cảnh sống, xáo trộn đời sống hoang dã, tác động đến chất lượng nước và đe dọa cộng đồng địa phương do việc phát triển quá mức, dễ phá vỡ các giá trị văn hóa địa phương. Do đó, các quốc gia và các vùng cần lập kế hoạch một cách cẩn trọng theo hướng phát triển du lịch bền vững, tôn trọng văn hóa địa phương, bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, nguồn lợi trực tiếp được mang đến cho cộng đồng địa phương.

Theo Báo cáo Thường niên về Du lịch Bền vững của Booking.com vào năm 2021 từ 29.000 du khách trên 30 quốc gia trong đó có Việt Nam cho thấy, những diễn biến của đại dịch đã trở thành điểm mốc then chốt để du khách hướng tới lối sống bền vững. Trong đó, 97% du khách Việt cho biết du lịch bền vững rất quan trọng và 79% tin rằng mọi người phải hành động ngay để bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai. 100% du khách Việt mong muốn tìm đến các điểm dịch vụ lưu trú cam kết với du lịch bền vững trong năm tới. Tuy nhiên, 41% du khách cho rằng số lượng điểm dịch vụ lưu trú vẫn còn hạn chế trong năm 2021. 84% du khách Việt Nam muốn có những trải nghiệm chân thật, mang nét đặc trưng văn hóa của nơi mà họ đi du lịch và 93% du khách Việt Nam tin việc nâng cao nhận thức về văn hóa cũng như việc bảo tồn di sản là quan trọng.

88% du khách Việt Nam cho biết, đại dịch đã thúc đẩy họ muốn đi du lịch theo cách bền vững hơn trong tương lai và 41% thừa nhận chính đại dịch đã khiến họ thay đổi quan điểm để hướng tới lối sống tích cực hơn. Trong đó, tái chế (33%) và giảm phung phí thức ăn (40%) là những ưu tiên hàng đầu. Hơn một nửa (53%) khách du lịch toàn cầu sẵn sàng giảm thiểu rác thải và tái chế nhựa khi đi du lịch, sau khi mọi hạn chế được dỡ bỏ.

Báo cáo cũng cho thấy, cam kết hướng tới bền vững trong sinh hoạt hằng ngày của du khách cũng nhất quán với ý định của họ cho các chuyến du lịch sau này, với 88% du khách Việt Nam muốn giảm rác thải tổng hợp; 86% muốn giảm mức tiêu thụ năng lượng (ví dụ: tắt điều hòa không khí và đèn khi ra khỏi phòng) và 81% muốn sử dụng loại hình giao thông thân thiện với môi trường hơn như đi bộ, xe đạp, hoặc phương tiện công cộng, thay vì taxi hay thuê xe.

Những thương hiệu khách sạn toàn cầu như Marriott, Hilton, Hyatt và IHG đã bắt đầu bổ sung các chỉ số bền vững vào trang web đặt phòng của riêng họ và cam kết giảm ít nhất 25% "dấu chân carbon" (carbon footprint) trong vòng 3 năm tới. Trên thế giới, nhiều khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, nơi lưu trú đã bắt đầu triển khai sáng kiến độc lập để tăng cường tính bền vững trong quá trình vận hành, thu hút khách du lịch và bảo vệ môi trường. Khách sạn Hi của Pháp đã sử dụng các sản phẩm làm sạch thân thiện với môi trường, giấy tái chế, thực phẩm hữu cơ, dầu gội thực vật và sữa tắm mà không cần đóng gói. Khu nghỉ dưỡng Jumeirah Vittaveli tại Maldives đã xây dựng hệ thống "Eco Pure" xử lý nước biển để tạo ra nước uống trong lành, đóng chai thủy tinh tái chế và tiết kiệm được khoảng 50.000 chai nhựa mỗi năm. Trong khi đó, khách sạn Crowne Plaza của Đan Mạch đã có thể tự hào là tòa nhà lớn nhất, với công viên tích hợp bảng năng lượng mặt trời ở Bắc Âu và hệ thống làm mát, sưởi ấm dựa trên nước ngầm đầu tiên ở Đan Mạch.

Thực tế, Việt Nam là quốc gia rất có lợi thế để phát triển du lịch bền vững. Việt Nam có hệ thống 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận và hơn 30 vườn quốc gia, trong đó có 6 vườn di sản ASEAN còn giữ gần như nguyên vẹn về hệ sinh thái, đa dạng và giá trị nổi bật quần thể. Đặc biệt là tài nguyên 400 nguồn nước nóng từ 40-150 độ. Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới với 125 bãi tắm biển, hầu hết là các bãi tắm đẹp và là 1/12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới l (Vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang).

Trong những năm qua, hoạt động du lịch tại Việt Nam đã tập trung phát triển theo hướng du lịch bền vững, với nhiều khu nghỉ dưỡng được nhận các chứng chỉ xanh quốc tế của EarthCheck và Green Growth 2050. Một số điểm lưu trú tại Việt Nam đạt các chứng chỉ xanh trong những năm qua, gồm: khu nghỉ dưỡng Banyan Tree Lăng Cô, Khách sạn Caravelle Saigon; Angsana Lăng Cô (đạt Chứng nhận Vàng của EarthCheck); Khu nghỉ dưỡng Avani Quy Nhơn, Anantara Mui Ne Resort and Spa, khách sạn Harbour View Hải Phòng, Anantara Hoi An Resort (đạt chứng nhận Vàng của Green Growth 2050).

Bên cạnh đó, tôn trọng cộng đồng địa phương cũng là mối quan tâm hàng đầu khi 84% du khách Việt Nam muốn có những trải nghiệm chân thật, mang nét đặc trưng văn hóa của nơi mà họ đi du lịch, 93% tin rằng việc nâng cao nhận thức về văn hóa cũng như việc bảo tồn di sản là quan trọng, 88% muốn đảm bảo những nguồn thu tác động về kinh tế mà ngành Du lịch mang lại sẽ được phân bố đồng đều trong mọi tầng lớp xã hội. Thêm vào đó, 64% du khách Việt Nam sẽ chấp nhận tránh các điểm đến và nơi tham quan phổ biến để đảm bảo không gây thêm áp lực lên những chỗ đã quá đông đúc, đồng thời, góp phần phân tán những lợi ích tốt đẹp của du lịch đến các địa điểm và cộng đồng có ít khách ghé đến hơn.

Trong năm qua, có đến 52% du khách Việt đã có những hành động có ý thức cao, như tắt máy lạnh/lò sưởi trong phòng nghỉ khi đi ra ngoài, 52% mang theo chai nước riêng có thể tái sử dụng thay vì mua nước đóng chai khi du lịch, và 44% tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng địa phương. Trên thực tế, 55% du khách thừa nhận họ cảm thấy không thoải mái nếu chỗ nghỉ không có các tiện nghi hỗ trợ tái chế.

Tại Việt Nam, 100% du khách Việt trả lời trong năm tới, họ mong muốn lưu trú tại những nơi cam kết với du lịch bền vững. Tuy nhiên, 14% du khách Việt Nam cho biết, họ không lưu trú tại chỗ nghỉ bền vững trong năm qua, 47% du khách không biết có những chỗ nghỉ như vậy, 42% du khách lại không tìm được lựa chọn nào tại điểm đến và 54% du khách không biết tìm bằng cách nào. Thực tế cho thấy, đến 41% khách Việt Nam tin rằng trong năm 2021, sẽ vẫn chưa có đủ các lựa chọn cho du lịch bền vững.

2. Giải pháp phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam

Thứ nhất, để phát triển du lịch bền vững, trước hết Việt Nam cần đảm bảo các nguyên tắc thiết lập sự cân bằng phù hợp giữa các khía cạnh môi trường, kinh tế và văn hóa xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Giải pháp phát triển bền vững dựa trên hiệu quả của các nguồn lực, như: Giảm thiểu mức sử dụng những nguồn tài nguyên quý hiếm và không thể tái tạo được trong việc phát triển và triển khai các cơ sở, phương tiện và dịch vụ du lịch; đồng thời không quên chú trọng đến một môi trường trong lành. Môi trường được giữ trong lành ở đây như: giảm thiểu ô nhiễm không khí, nước, đất và rác thải từ du khách và các hãng du lịch. Bên cạnh đó, hỗ trợ cho việc bảo tồn khu vực tự nhiên, môi trường sống, sinh vật hoang dã và giảm thiểu thiệt hại đối với các yếu tố này.

Thứ hai, quá trình phát triển này cần được bắt đầu từ những bước nhỏ để đạt được mục tiêu lớn, giảm thiểu tác động lên môi trường. Chẳng hạn như xóa bỏ rác thải nhựa dùng một lần từ những chai nước nhựa hay chai sữa tắm, đồ vệ sinh cá nhân bằng nhựa,…

Thứ ba, đầu tư đồng bộ để khai thác một cách có hiệu quả tài nguyên sẵn có, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo gắn với bảo vệ môi trường và thay đổi cách làm du lịch chỉ dựa dẫm vào thiên nhiên. Thực tế, giải pháp đó đã đem đến cho du lịch Việt Nam một sự thay đổi mạnh mẽ trong vòng 5 năm qua, khi ngành Du lịch mở cửa, mời gọi các nhà đầu tư tư nhân lớn như Vingroup, Sun Group, BRG, FLC,… đầu tư vào hạ tầng cơ sở du lịch.

Thứ tư, tận dụng sự phát triển của khoa học công nghệ trong ngành Du lịch. Việc cung cấp thông tin mới nhất và chính xác về các chỉ dẫn của địa phương sẽ giúp xây dựng niềm tin với du khách. Thêm vào đó, việc cập nhật tình hình các danh lam thắng cảnh gần đó như công viên, điểm du lịch có mở hay không, có hạn chế gì, hoặc có yêu cầu an toàn ra sao cũng rất quan trọng. Việc sử dụng công nghệ thông minh giúp các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt doanh nghiệp lưu trú giảm thiểu chi phí vận hành của hệ thống lên đến 23%, góp phần tiết kiệm chi phí nhân công.

Thứ năm, tập trung vào phát triển các địa phương. Bên cạnh việc tăng tối đa đóng góp của du lịch đối với sự phát triển thịnh vượng của nền kinh tế địa phương tại các điểm du lịch, khu du lịch, bao gồm phần tiêu dùng của khách du lịch được giữ lại tại địa phương, việc duy trì và tăng cường chất lượng cuộc sống của người dân địa phương cũng rất quan trọng. Nó bao gồm cơ cấu tổ chức xã hội và cách tiếp cận các nguồn tài nguyên, hệ thống hỗ trợ đời sống, tránh làm suy thoái và khai thác quá mức môi trường cũng như xã hội dưới mọi hình thức. Đồng thời bảo tồn văn hóa thể hiện qua việc tôn trọng và tăng cường giá trị các di sản lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống và những bản sắc đặc biệt của cộng đồng dân cư địa phương tại các điểm du lịch.

Đặc biệt, cần chú ý một nguồn thu lớn đến từ việc phát triển mảng đặc sản, ẩm thực địa phương. Các cơ sở lưu trú có thể gia tăng trải nghiệm cho du khách bằng việc tạo ra những cẩm nang ẩm thực chỉ dẫn với lời giới thiệu về nhà hàng, quán ăn nên đến gần đó. Ngoài ra, nên cung cấp những thông tin về dịch vụ giao đồ ăn hoặc mang đi sẽ giúp khách lưu trú tránh được những phiền hà khi phải tìm kiếm; thiếp lập quan hệ đối tác với cộng đồng địa phương để họ có thể phục vụ những món ăn đậm hương vị bản địa với giá ưu đãi cho khách lưu trú.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Nguyễn Bá Lâm (2007), Tổng quan về du lịch và phát triển du lịch bền vững, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Nguyễn Thị Tuyết Nga, Nguyễn Thu Hiền (2020), “Nghiên cứu các tiêu chí đánh giá và những nhân tố tác động đến phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam”, Tạp chí Công Thương, số 16, T7.
Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Luật Du lịch, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), Luật Bảo vệ môi trường.
Solutions for the sustainable tourism development in Vietnam

Master. Nguyen Thi Thuy Linh

Faculty of Tourism and Hotels, University of Economic and Technical Industries

Abstract:

Tourism is currently developed to become a spearhead economic sector of Vietnam. The tourism development is based on the exploitation of natural resources and human and cultural resources of each locality. However, if the tourism resources are not properly exploited, tourism activities will degrade the environmental quality and negatively affect its development. This paper presents the sustainable tourism development trends in the world and in Vietnam. The paper also proposes some solutions for the sustainable tourism development in Vietnam.

Keywords: sustainable tourism, waste, environment, energy.

ThS. NGUYỄN THỊ THÙY LINH (Khoa Du lịch khách sạn, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)