Tổng quan và quan điểm từ các góc nhìn của lễ hội làm chay

Lễ hội Làm Chay hay Lễ hội Làm Trai là một lễ hội tập tục địa phương hàng năm của nhân dân thị trấn Tầm Vu (Châu Thành, Long An), lễ hội tổ chức vào thời điểm trung tuần tháng Giêng âm lịch. Từ Làm Chay xuất phát từ chữ đọc trại của từ Làm Trai Đàn do người miền Nam phát âm sai chữ tr và ch mà ra.

Nguồn gốc lễ hội Làm Chay: Thực Dân Pháp đàn áp thành công cuộc khởi nghĩa của hai ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự vào năm 1878. Ngày 26/4/1878: Pháp xử bắn ông Đỗ Tường Tự, lãnh đạo nghĩa quân tại chợ Tầm Vu xưa. Người dân mai táng ông Đỗ Tường Tự bên con đường mòn cạnh pháp trường phía sau đình Dương Xuân Hội theo di huấn của ông. Ngày 29/4/1878, Pháp xử chém ông Đỗ Tường Phong tại nghĩa địa Tân An (nay thuộc ấp Bình Nam, Thị xã Tân An). Nhân sự kiện dịch bệnh hoành hành mùa màng cùng thời điểm, nhân dân thị trấn Tầm Vu mượn cơ hội làm trai đàn để xua đuổi côn trùng phá hoại mùa màng, vừa làm lễ trai đàn cho các chí sĩ yêu nước. Lâu ngày, lễ hội đã trở thành truyền thống hàng năm.

soi-noi-cac-hoat-dong-tai-le-hoi-lam-chay2-e1621839308532-1669456523.jpg
 

Mục đích lễ hội Làm Chay: Mục đích chính của lễ hội là khôi phục các giá trị truyền thống dân gian, cầu mong mưa thuận gió hoà, nhân dân sống trong cảnh thái bình, an tâm lao động sản xuất đạt vụ mùa bội thu.

Thời gian, địa điểm tổ chức: Lễ hội diễn ra từ ngày 15 đến ngày 16 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm, tại đình Dương Xuân Hội, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Ý nghĩa lễ hội Làm Chay: Theo tín ngưỡng của nhân dân địa phương, tháng Giêng là tháng hội hè, vụ mùa gặt hái đã xong bà con có của ăn của để nên tổ chức cúng tế cho vong linh bá tánh. Ngày Hội Làm Chay đã trở thành một tập tục lâu đời để con em người Tầm Vu có dịp hội tụ cùng nhau.

Với lịch sử hơn 100 năm và trở thành nét văn hóa truyền thống của đất và người nơi đây, Lễ hội Làm Chay được tổ chức khá long trọng, thu hút quảng đại tầng lớp nhân dân, các giới, các thành phần xã hội và các tôn giáo tín ngưỡng khác nhau như đạo Phật, Cao Đài… Số lượng người tham dự lễ hội hàng năm khoảng 10,000 người trở lên. Gồm cộng đồng cư dân sở tại và từ các địa phương khác đến , trong đó có một số là Việt Kiều sinh sống, làm ăn ở nước ngoài như: Hoa Kỳ, Canada, Pháp , Úc.

Lễ hội được tổ chức bằng kinh phí hoàn toàn do nhân dân tự nguyện đóng góp. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, tổ chức có liên quan chỉ hỗ trợ về công tác tổ chức, bảo vệ an ninh trật tự và hướng dẫn lễ hội theo đúng quy chế về lễ hội. Ngành Văn Hóa Thể Thao thường xuyên quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ và cùng với địa phương hạn chế các hoạt động mê tín dị đoan , những hủ tục lạc hậu gây tốn kém, lãng phí. Những kết quả mà lễ hội thu được qua nhiều năm được ghi nhận qua nguồn tài chính đóng góp và số người tham dự ngày càng tăng.

Trong lễ cúng quy tụ đông đảo người tự nguyện tham gia, các phẩm vật được cúng tế ở đây là các sản phẩm tại địa phương mà hầu hết là sản phẩm từ lúa gạo, hoa quả do tập thể nhân dân và các nghệ nhân, các bô lão, trai tráng tạo nên.

Lễ làm chay diễn ra vào ngày 15 và 16 tháng Giêng Âm lịch, với không gian kéo dài từ đình Tân Xuân đến chùa Linh Phước, chùa Ông, miễu Điền, miếu Âm Nhơn, Thánh Thất Phương Quế Ngọc Đài, sông Tầm Vu… Để chuẩn bị cho lễ hội, Ban Quản trị đình Tân Xuân thành lập các tiểu ban, triển khai các công việc như: dựng giàn Ông Tiêu, làm Long Đình – Tứ Châu, dựng giàn thầy, dựng đài liệt sĩ, làm ghe phóng đăng, làm hình Ông Tiêu.

Đối tượng chính của Lễ làm chay là ông Tiêu, tức Tiêu Diện Đại sĩ, một hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát, theo Phật giáo và tâm thức dân gian là vị đứng đầu và cai quản thế giới ma quỷ. Lễ được bắt đầu với nghi thức Thỉnh ông Tiêu. Hình ảnh Ông Tiêu trong Lễ làm chay được thể hiện rất công phu, cao khoảng 2 mét, mặc áo giáp trụ, đầu có sừng và có cả trăm gương mặt trên khắp thân người. Đặc biệt, ông Tiêu có lưỡi bằng giấy hồng dài gần nửa mét, là nơi tập trung mọi quyền lực, phép thuật của ông. Hình tượng ông Tiêu được chuẩn bị trước lễ hội cả tháng, khi hoàn thành được đặt trong chùa Linh Phước.

Lễ hội diễn ra, người dân tổ chức đám rước gồm các thành viên trong Ban Khánh tiết, các bô lão, phu kiệu, đội múa lân, đánh trống và rước ông Tiêu từ đình đến chùa Linh Phước về chùa Ông để nhân dân vào chiêm bái. Tiếp đến, đoàn rước từ đình đến chùa Linh Phước để Thỉnh phật, thỉnh kinh, thỉnh thầy, rước tượng Phật Thích Ca và hai vị Bồ Tát là A Nan – Ca Diếp đặt ở bàn thờ trung tâm đình Tân Xuân, niệm kinh Phật. Khu vực đài liệt sĩ, nhân dân thực hiện nghi thức dâng hương, mặc niệm, gióng ba hồi chiêng trống chiêu hồn và vào viếng mộ vị thủ lĩnh nghĩa quân Đỗ Tường Tự.

Sang ngày 16 tháng Giêng, cộng đồng tham gia các trò chơi dân gian như bịt mắt đập nồi đất, kéo co, thả – bắt vịt, nhảy bao bố, leo cột mỡ… cùng với các hoạt động thể thao như chạy việt dã, đua xe đạp chậm, bóng chuyền và bóng đá. Cùng lúc đó, Lễ cúng cô hồn được tiến hành tại miếu Âm Nhơn với lễ vật là một con heo (đã thọc huyết, cạo lông, mổ bụng nhưng để nguyên phủ tạng) và gạo, muối, đĩa huyết, bánh trái, vàng bạc. Sau khi cúng xong, lễ vật được đưa về đình để Ban hậu cần nấu nướng thiết đãi khách.
Nghi thức Thỉnh cỗ bánh được tiến hành với lễ vật gồm một mâm cỗ bánh lớn do đình chuẩn bị và các cỗ bánh nhỏ hơn do nhân dân cúng tiến. Sau khi cúng xong, mâm cỗ bánh sẽ cho trẻ em tham dự lễ hội cướp lấy.

Buổi trưa, nghi thức Thỉnh Ông Tiêu lên giàn được thực hiện. Đám rước xuất phát từ đình đến chùa Ông, rước Ông Tiêu về đình đặt trên bàn thờ tại giàn Ông Tiêu. Trước giàn Ông Tiêu treo lá phướn và đôi câu đối.

Lễ hội ở Tầm Vu chứa đựng việc thi tài qua các loại hình văn hóa nghê thuật dân gian: làm bánh, tỉa kết hoa, linh vật trong bộ Long Lân Quy Phụng hay biểu tượng trong bộ 12 con giáp. Ngoài ra các trò chơi dân gian được phục hồi và phát triển, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng tính cách và tâm hồn người Việt.

Nhóm tác giả:

La Phi Long
Thân Hồng Hà
Nguyễn Trần Hoàng Phương
Trần Huỳnh Thị Kiều Hương
Nguyễn Hoàng Anh Như
Hồ Thị Phương

Tài liệu tham khảo:

1. Aronsson, L. (2000). The Development Of Sustainable Tourism: Continuum.
2. Đặng Văn, X. (2009). Du Lịch Long An Với Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững-Hội Nhập Thành Công.
3. Foster, D. I. (2005). Công Nghệ Du Lịch. In: Thống Kê.
4. Giao, H. N. K. (2011). Giáo Trình “Marketing Du Lịch”. Retrieved From
5. Harris, R., Williams, P., & Griffin, T. (2012). Sustainable Tourism: Routledge.
6. Hòe, N. Đ., & Hiếu, V. V. (2001). Du Lịch Bền Vững. NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội.
7. Jansen-Verbeke, M., & Go, F. (1995). Tourism Development In Vietnam. Tourism Management, 16(4), 315-321.
8. Lưu, N. V. (1998). Thị Trường Du Lịch. NXB Đại Học Quốc Gia, Hà Nội.
9. Phan, H. X. (2017). Nhận Thức Về “Văn Hóa Du Lịch” Và “Du Lịch Văn Hóa”.
10. Thức, N. V. (2011). Tiềm Năng, Thực Trạng Và Định Hướng Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Tỉnh Long An Cho Phát Triển Du Lịch Bền Vững: Luận Văn Thạc Sĩ Địa Lý Học Chuyên Ngành Địa Lí Học (Trừ Địa Lí Tự Nhiên).
11. Nguyễn Thu Thuỷ (2016), Nghiên Cứu Mô Hình Quản Lý Carnaval Hạ Long: Luận Án Tiến Sĩ Văn Hóa Học, Viện Văn Hóa Nghệ Thuật Quốc Gia Việt Nam.
12. Võ Trường Kỳ (2004), Lễ Hội Làm Chay Đình Dương Xuân Hội (Huyện Châu Thành), Chi Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam, Tỉnh Long An.

NHÓM TÁC GIẢ