Phát triển sản phẩm du lịch cạnh tranh, đảm bảo cho du lịch Việt Nam phát triển bền vững

“Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch” (Luật Du lịch,2017). Các dịch vụ ở đây bao gồm dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ lữ hành, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ thông tin hướng dẫn và các dịch vụ khác liên quan…

Trong thực tế phát triển của ngành Du lịch, các sản phẩm du lịch được hiểu trong phạm vi rộng hơn, không chỉ giới hạn trong tập hợp các dịch vụ đơn thuần, mà còn bao gồm những yếu tố vật chất và phi vật chất như những nhân tố tạo nên sức hấp dẫn khách du lịch, đó là các nhân tố về tài nguyên du lịch, về khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Dưới góc độ này, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho rằng “Sản phẩm du lịch là sự tổng hợp của 3 nhóm nhân tố cấu thành là Tài nguyên du lịch; Hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; và Hệ thống dịch vụ, quản lý điều hành”.

phat-trien-san-pham-du-lich-1024x609-1669449328.jpg
 

Sản phẩm du lịch tạo nên sự khác biệt trong phát triển du lịch, tạo nên thương hiệu và hình ảnh của mỗi điểm đến du lịch, của mỗi địa phương, mỗi vùng và mỗi quốc gia. Sản phẩm du lịch được hình thành trên cơ sở kết hợp giữa các giá trị tài nguyên du lịch, các điều kiện về cơ sở hạ tầng xã hội, hệ thống các dịch vụ và khả năng đáp ứng của các cơ sở du lịch. Như vậy, việc nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch, trước hết cần nghiên cứu các yếu tố về “Cầu du lịch”, bao gồm đặc điểm tâm lý, văn hóa, nhu cầu, sở thích, khả năng thu nhập, xu hướng đi du lịch, điểm đến, sản phẩm du lịch ưa thích… của các thị trường khách du lịch; và về “Cung du lịch”, bao gồm các đặc điểm về giá trị tài nguyên du lịch (thế mạnh, đặc thù…), các điều kiện về cơ sở hạ tầng xã hội, hệ thống các dịch vụ và khả năng đáp ứng (cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, con người…). Ngoài ra, việc nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch cần tuân theo nguyên tắc phát triển bền vững (kéo dài vòng đời của sản phẩm du lịch), có tính đặc thù riêng, có thương hiệu và đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài.

Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú và đa dạng cả về mặt tự nhiên (các di sản tự nhiên thế giới; các vườn quốc gia, khu bảo tồn gắn với đa dạng sinh học; biển đảo; sông hồ; hệ thống hang động; các nguồn suối khoáng…) lẫn về mặt văn hóa (các di sản văn hóa thế giới; hệ thống các di tích lịch sử văn hóa – cách mạng; các làng nghề; các lễ hội truyền thống; văn hóa ẩm thực…). Đây là một trong những điều kiện cần rất quan trọng để xây dựng các sản phẩm du lịch. Sự phân bố tài nguyên du lịch theo lãnh thổ cũng rất khác nhau. Mỗi vùng miền ở Việt Nam đều có những đặc điểm riêng về các điều kiện tự nhiên, văn hóa xã hội và có những đặc trưng riêng về tài nguyên du lịch. Do vậy, sự hình thành và phát triển sản phẩm du lịch ở mỗi vùng miền cũng khác nhau, có những nét đặc thù riêng. Trong những năm qua, hệ thống lãnh thổ du lịch Việt Nam được hình thành và phát triển theo các vùng khác nhau dựa trên vị trí địa lý cũng như các đặc điểm về tự nhiên và tài nguyên du lịch tự nhiên; dựa trên các đặc điểm về dân cư, dân tộc và tài nguyên du lịch văn hóa; dựa trên các điều kiện về kinh tế – xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Hệ thống các sản phẩm du lịch Việt Nam cũng được hình thành và phát triển theo các vùng du lịch với những đặc trưng riêng, với sự độc đáo và hấp dẫn riêng. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch còn trùng lặp giữa các vùng, chưa có tính đặc trưng và hấp dẫn riêng, chất lượng chưa cao…

Như vậy, việc xây dựng định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo cho phát triển bền vững, trước hết cần tập trung khai thác dựa trên các giá trị tài nguyên du lịch khác biệt.

Căn cứ vào các giá trị đặc thù về tài nguyên du lịch của Việt Nam – một trong những yếu tố cấu thành nên sản phẩm du lịch; căn cứ vào các điều kiện hạ tầng, các điều kiện kinh tế – xã hội; căn cứ vào các xu thế phát triển du lịch trong nước và quốc tế…; có thể định hướng phát triển các sản phẩm du lịch cạnh tranh của Việt Nam phù hợp với nhu cầu của thị trường gồm các nhóm sản phẩm sau:

1. Du lịch di sản thế giới của Việt Nam:

Tính đến tháng 8/2020, tổng cộng Việt Nam đã có 39 di sản được UNESCO vinh danh, cụ thể: 08 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 13 di sản văn hóa phi vật thể, 07 di sản tư liệu, 09 khu dự trữ sinh quyển thế giới và 03 công viên địa chất toàn cầu.

Về di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Việt Nam có 5 di sản văn hóa vật thể thế giới: Quần thể di tích cố đô Huế (1993); Đô thị cổ Hội An (1999); Di tích Thánh địa Mỹ Sơn (1999); Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (2010); Thành nhà Hồ (2011); 2 di sản tự nhiên thế giới: Vịnh Hạ Long (1994); Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (2003); 1 di sản hỗn hợp thế giới: Quần thể danh thắng Tràng An (2014); 13di sản văn hóa phi vật thể: Nhã nhạc cung đình Huế (2008) ; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2008); Dân ca Quan họ Bắc Ninh (2009); Hát ca trù (2009) (di sản cần bảo vệ khẩn cấp); Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (2010); Hát Xoan Phú Thọ (2011).(chuyển từ di sản cần bảo vệ khẩn cấp sang di sản đại diện nhân loại vào năm 2017); Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (2012); Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013); Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (2014); Nghi lễ và trò chơi kéo co (2015); Thực hành Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt (2016); Bài Chòi Trung Bộ (2017); Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở VN (2019); và 7 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới: Mộc bản Triều Nguyễn (2009); 82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ thời Lê – Mạc (2011); Châu bản Triều Nguyễn (2017); Mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm (2012); Hệ thống văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế (2016); Mộc bản trường học Phúc Giang (2016); Hoàng hoa sứ trình đồ (2018). Đây là những tài nguyên du lịch hết sức đặc sắc, mang tính đặc trưng văn hóa của Việt Nam. Trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng này, có thể xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, có chất lượng cao, đủ khả năng cạnh tranh như Du lịch tham quan nghiên cứu các di sản thế giới của Việt Nam; Du lịch Con đường Di sản Miền Trung; Du lịch huyền thoại Tây Nguyên; Du lịch Cung Đình; Du lịch hát dân ca Quan họ…

Các sản phẩm du lịch thuộc nhóm Du lịch di sản thế giới của Việt Nam có thể đáp ứng cho các đối tượng khách có thu nhập cao, có trình độ học vấn, ham hiểu biết về văn hóa… (có thể đến từ mọi quốc gia).

2. Du lịch tham quan thắng cảnh, nghiên cứu văn hóa: Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có một kho tàng văn hóa đặc sắc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của 54 dân tộc anh em. Đó là hệ thống các di tích văn hóa lịch sử – cách mạng; là hệ thống các lễ hội, làng nghề truyền thống; là văn hóa ẩm thực của các vùng miền, của các dân tộc; là các di sản văn hóa văn nghệ dân gian… Đây là nguồn tài nguyên du lịch thế mạnh và mang tính khác biệt của Việt Nam. Dựa trên nguồn tài nguyên đặc sắc này có thể xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng cho từng vùng, miền…, theo các chuyên đề khác nhau: Du lịch tham quan thắng cảnh (Hạ Long, Thác Bản Giốc, Ba Bể, Tràng An, Đà Lạt, sông nước đồng bằng sông Cửu Long…); Du lịch tham quan nghiên cứu làng nghề (Bát Tràng, Vạn Phúc, Làng Sình,…); Du lịch lễ hội (Hội Gióng, Yên Tử, Đền Hùng, Chọi Trâu, Núi Bà Đen, Núi Sam…); Du lịch thưởng thức văn hóa văn nghệ dân gian (Rối nước, Ca Trù, Quan họ, Hát Xoan, Cải Lương…).

Các sản phẩm du lịch thuộc nhóm Du lịch tham quan thắng cảnh, nghiên cứu văn hóa có thể đáp ứng cho mọi đối tượng khách có thu nhập từ trung bình, ưa khám phá, ham hiểu biết về văn hóa… (có thể đến từ mọi quốc gia).

3. Du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với các resorts cao cấp: Với hàng ngàn km bờ biển; hàng ngàn đảo lớn nhỏ; hàng trăm bãi tắm cát trắng quanh năm đầy nắng và gió với nước biển trong xanh, ấm áp… Việt Nam thực sự là thiên đường của biển đảo. Đây là một lợi thế lớn về tiềm năng du lịch biển của Việt Nam, có thể khai thác xây dựng các resorts nghỉ dưỡng cao cấp (có thể tạo nên thương hiệu cho du lịch Việt Nam) kết hợp với nhiều sản phẩm du lịch khác (nghỉ dưỡng, tắm biển, tắm khoáng, chơi golf, thể thao biển, đua thuyền, lướt sóng, lặn biển xem san hô, du lịch tàu ngầm…). Các khu vực có thể xây dựng các resorts nghỉ dưỡng cao cấp – thương hiệu du lịch Việt Nam bao gồm Trà Cổ, Cô Tô, Quan Lạn, Lăng Cô, Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Chữ, Mũi Né, Long Hải, Côn Đảo, Phú Quốc…

Các sản phẩm du lịch thuộc nhóm Du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo có thể đáp ứng cho các đối tượng khách có thu nhập khá và cao, có thời gian lưu trú dài, sẵn sàng sử dụng các dịch vụ bổ trợ như chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng… (có thể đến từ mọi quốc gia, đặc biệt là người trung niên Nhật Bản, các thị trường Nga, Đông Âu…).

4. Du lịch nghỉ dưỡng núi (khí hậu ôn đới trong lòng nhiệt đới): Ở Việt Nam có một số cao nguyên, núi cao có khí hậu ôn hòa quanh năm, cảnh quan đẹp… thích hợp cho nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe. Đây là một nét đặc trưng khác biệt về tài nguyên du lịch so với các nước trong khu vực. Do vậy, có thể khai thác các lợi thế này để xây dựng các resorts nghỉ dưỡng núi cao cấp (cũng có thể tạo nên thương hiệu cho du lịch Việt Nam) nhằm phục vụ các đối tượng khách có thu nhập cao. Tại các khu resorts nghỉ dưỡng núi cao cấp này có thể xây dựng bổ sung các sản phẩm du lịch kết hợp như tắm khoáng, tắm thuốc, vật lý trị liệu – phục hồi chức năng, chơi golf, casino… Các khu vực có thể xây dựng các resorts nghỉ dưỡng núi cao cấp bao gồm Mẫu Sơn, Sa Pa, Mộc Châu, Tam Đảo, Ba Vì, Bạch Mã, Bà Nà, Đà Lạt, Măng Đen…

Các sản phẩm du lịch thuộc nhóm Du lịch nghỉ dưỡng núi có thể đáp ứng cho các đối tượng khách có thu nhập cao, có thời gian lưu trú dài, sẵn sàng sử dụng các dịch vụ bổ trợ như chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng… (có thể đến từ mọi quốc gia, đặc biệt là người cao tuổi Nhật Bản, Hàn Quốc, các thị trường Tây Âu, ASEAN…).

5. Du lịch sinh thái, miệt vườn cây trái, sông nước: Việt Nam hiện có 33 vườn quốc gia, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới và hàng trăm khu bảo tồn tự nhiên được phân bố khắp trong cả nước; có các hệ sinh thái đa dạng với giá trị đa dạng sinh học cao (hệ sinh thái san hô; hệ sinh thái đất ngập nước; hệ sinh thái vùng cát ven biển; các hệ sinh thái rừng nhiệt đới…). Ngoài ra, vùng đồng bằng Sông Cửu Long có hệ thống kênh rạch chằng chịt, có nhiều khu rừng ngập mặn, và các miệt vườn đầy cây trái quanh năm tốt tươi trĩu quả… Đây thực sự là những tài nguyên quý giá và là thế mạnh của Việt Nam để phát triển du lịch sinh thái, du lịch sông nước, du lịch miệt vườn đồng quê. Với các giá trị tài nguyên đặc sắc này, Du lịch Việt Nam có thể khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng sau: Du lịch nghiên cứu, sinh thái (xem thú ở vườn quốc gia Cát Tiên; xem chim ở vườn quốc gia Tràm Chim, Xuân Thủy, Cà Mau; lặn biển xem san hô ở Hạ Long, Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang, Côn Đảo, Phú Quốc; xem rùa đẻ trứng ở Côn Đảo…); Du lịch sông nước – miệt vườn (tham quan các miệt vườn, thưởng thức cây trái và Đờn ca tài tử đồng bằng Sông Cửu Long; tham quan các chợ nổi; khám phá các khu rừng ngập mặn Cần Giờ, U Minh, Đất Mũi…).

Các sản phẩm du lịch thuộc nhóm Du lịch sinh thái, miệt vườn cây trái, sông nước có thể đáp ứng cho các đối tượng khách có thu nhập cao, độ tuổi trẻ đến trung niên, có trình độ học vấn, ham hiểu biết, thích khám phá tự nhiên… (có thể đến từ mọi quốc gia, đặc biệt là các nước Nhật Bản, Úc, Mỹ, Niu Di Lân, các nước Tây Âu…).

6. Du lịch tham quan, nghiên cứu, thám hiểm hang động: Hệ thống hang động ở Việt Nam rất đa dạng và phong phú, được phân bố tương đối rộng khắp, đặc biệt là ở vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Có những hang động gắn liền với quá trình tiến hóa của người Việt cổ (Động Người Xưa, Hang Xóm Trại, Hang Con Moong, Núi Đọ…); có những hệ thống hang động gắn liền với những danh thắng hùng vĩ – di sản thế giới Vịnh Hạ Long (động Thiên Cung, Hang Trinh Nữ, Hang Sửng Sốt, Hang Bồ Nâu, Hang Đầu Gỗ…); có những hang động đã được mệnh danh là đẹp nhất thế giới với 11 kỷ lục Guinness (hang nước dài nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, có bãi cát và đá rộng đẹp nhất, có hồ ngầm đẹp nhất, có thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất, có dòng sông ngầm dài nhất, có hang khô rộng và đẹp nhất), đó là Động Phong Nha – Di sản thế giới. Chỉ từng đấy thôi cũng đủ cho thấy hệ thống hang động là một thế mạnh, là sự khác biệt về tài nguyên của du lịch Việt Nam. Với thế mạnh đó, với sự khác biệt đó, Du lịch Việt Nam có thể khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh như sau: Du lịch khảo cổ học (gắn với hệ thống hang động), Du lịch thám hiểm Động Phong Nha – Di sản thế giới (hoặc là Du lịch thám hiểm Động Phong Nha – các kỷ lục guinness), Du lịch khám phá Hạ Long kỳ ảo – Kỳ quan thế giới…

Các sản phẩm du lịch thuộc nhóm Du lịch tham quan, nghiên cứu, thám hiểm hang động có thể đáp ứng cho các đối tượng khách là các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu – thám hiểm, những khách có thu nhập cao, độ tuổi trẻ đến trung niên, có trình độ học vấn, ham hiểu biết, thích khám phá, ưa mạo hiểm… (có thể đến từ mọi quốc gia, đặc biệt là các nước Anh, Pháp, Úc, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Niu Di Lân…).

Du lịch thể thao mạo hiểm theo các chuyên đề đặc biệt (lặn biển, leo núi, vượt thác, khinh khí cầu, nhảy dù, tàu lượn, tàu ngầm…): Việt Nam có nhiều kiểu địa hình đa dạng, từ vùng núi cao đến vùng đồi trung du, đồng bằng, ven biển, hải đảo… Địa hình đa dạng, đặc biệt là kiểu địa hình vùng núi cao đã tạo nên nhiều thắng cảnh với những đỉnh núi cao, vực sâu, những thác nước hùng vĩ (vùng núi Tây Bắc, dãy Trường Sơn, Tây Nguyên…). Đây là những giá trị tài nguyên đặc trưng và điều kiện cần thiết để phát triển các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm. Với những đặc điểm về địa hình đa dạng, Du lịch Việt Nam có thể khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm như sau: Du lịch chinh phục Nóc nhà Đông Dương (leo đỉnh Fansipan 3.143m) hoặc Du lịch leo núi – Chinh phục các đỉnh cao (Fansipan, Pusilung 3.076m, Puluông 2.893m, Tây Côn Lĩnh 2.419m…); Du lịch khinh khí cầu (lượn trên bầu trời Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang, Tây Nguyên, vùng núi Tây Bắc hùng vĩ…); Du lịch tàu lượn, nhảy dù (ở những vùng thung lũng, cao nguyên có cảnh quan đẹp như Lang Biang – Đà Lạt, Mộc Châu – Sơn La, Sìn Hồ – Lai Châu…); Du lịch lặn biển, du lịch tàu ngầm (vùng biển Hạ Long, Cô Tô, Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang, Côn Đảo, phú Quốc…).

Các sản phẩm du lịch thuộc nhóm Du lịch thể thao mạo hiểm theo các chuyên đề đặc biệt có thể đáp ứng cho các đối tượng khách là thanh thiếu niên (có thể cho cả lứa tuổi trung niên), thích khám phá, ưa mạo hiểm… (có thể đến từ mọi quốc gia, đặc biệt là các nước Úc, Niu Di Lân, Canada, Nhật Bản, ASEAN…).

TS. LÊ VĂN MINH – TRƯỞNG PHÒNG NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH VÀ MÔI TRƯỜNG DU LỊCH