Lễ hội làm chay nhìn từ quan điểm quản lý theo quá trình

Có nhiều truyền thuyết dân gian nói về sự ra đời của lễ hội dân gian này nhưng được đáng tin và hợp lý nhất là truyền thuyết dân gian sau:

Sau khi thực dân Pháp chiếm Tầm Vu, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra liên tục. Tại An Lục Long (huyện Châu Thành ngày nay) nơi đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ khốc liệt giữa quân Pháp và nghĩa quân địa phương, những nơi quân Pháp bị giết và chôn xác được dân địa phương gọi bằng những cái tên rùng rợn như: Mã ma Ní, đìa Ma Ní.. Để trả thù quân Pháp đàn áp phong trào kháng chiến rất dã man, những nghĩa sĩ bị bắt xử tử cũng vô số, trong đó người dân địa phương vẫn còn lưu truyền và ngưỡng mộ về cái chết của 2 anh em ruột Đỗ Tường Tự & Đỗ Tường Phong là 2 nghĩa sĩ trung kiên của phong trào kháng chiến do Thủ Khoa Huân lãnh đạo. Do cương quyết không chịu đầu hàng khi bị bắt nên Ông Đỗ Tường Tự bị Pháp xử bắn ngày 26/01/1878 ngay phía sau đình làng Dương Xuân Hội và sau đó 3 ngày ông Đỗ Tường Phong bị giặc xử chém gần chợ Tân An ngày nay. Vì ngưỡng mộ lòng trung kiên và bày tỏ lòng kính trọng 2 ông nên người dân Tầm Vu ngày ấy đã làm lễ chay đàn cúng viếng 2 ông và phao tin lên “loạn cô hồn dậy dẹp chợ” nên làm lễ chay đàn cúng tế cô hồn, chiến sĩ trận vong để tránh sự đàn áp tàn bạo của quân Pháp.

12-1550648011778-e1621839790959-1669456620.jpg
 

Các nhà nghiên cứu bình chọn cao lý thuyếtnày vì nó mang tính lịch sử và có sức thuyết phục, Lệ Làm Chay quy tụ sự tham gia của các của các tôn giáo khác nhau như: Đạo Cao Đài, Đạo Phật và tín ngưỡng dân gian. Chỉ có những sự kiện mang tính dân tộc thiêng liêng mới có đủ sức qui tụ các tín ngưỡng khác nhau tại một lễ hội địa phương như vậy.

Lễ hội được tổ chức bởi ban Quản trị đình Tân Xuân mà những người tổ chức thuộc người dân địa phương bầu chọn, kinh phí hoàn toàn do nhân dân tự nguyện và một số cá nhân trong và ngoài nước đóng góp . Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, tổ chức có liên quan chỉ hỗ trợ về công tác tổ chức, bảo vệ an ninh trật tự và hướng dẫn lễ hội theo đúng quy chế về lễ hội. Ngành Văn Hóa Thể Thao thường xuyên quan tâm hướng dẫn , giúp đỡ và cùng với địa phương hạn chế các hoạt động mê tín dị đoạn, những hủ tục lạc hậu gây tốn kém, lãng phí. Những kết quả mà lễ hội thu được qua nhiều năm được ghi nhận qua nguồn tài chính đóng góp và số người tham dự ngày càng tăng.

Những mục tiêu của Lễ hội làm chay
– Mục tiêu chính trị:
Là một sinh hoạt văn hoá dân gian quan trọng ở địa phương, góp phần tạo ra một đời sống tinh thần phong phú và lành mạnh, củng cố bền vững khối đoàn kết dân tộc tôn giáo ở địa phương, cần được bảo vệ, gìn giữ và phát huy trong sự nghiệpxây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

– Mục tiêu kinh tế:
Tầm Vu là một thị trấn nhỏ với diện tích chưa đến 4km vuông cùng dân số hơn 6.000 người, lễ hội Làm Chay hàng năm đón tiếp hơn 10.000 người tham dự mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương.

– Mục tiêu văn hóa:
Đây là một sinh hoạt văn hoá dân gian có một không gian ảnh hưởng lớn, không chỉ giới hạn ở một huyện, một xã. Số người hàng năm tham gia lễ hội lên đến hơn 10.000 người từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh chưa kể số lượng kiều bào sinh sống, làm ăn ở nước ngoài như: Hoa Kỳ, Canada, Pháp… về tham gia.
Đặc biệt đối với những vùng nông thôn nó còn chứa đựng ý nghĩa cộng đồng, sự tự hào và thiêng liêng của làng, xã trước đây cũng như hiện nay, luôn hướng tới niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, sự vui tươi, ấm no, hạnh phúc của cộng đồng.

– Mục tiêu xã hội:
Lễ hội Làm Chay đã thực sự trở thành một nhu cầu thiết yếu trong đời sống tâm linh của nhân dân trong vùng. Hiệu quả thật sự của lễ hội chính là việc nâng cao nhận thức, giáo dục cho người dân; đồng thời, tạo sân chơi, giúp người dân có cơ hội giao lưu văn hoá và vui chơi giải trí. Ngoài việc thụ hưởng về văn hoá, thoả mãn nhu cầu tâm linh của nhân dân thì lễ hội còn nhắc nhở người dân về truyền thống uống nước nhớ nguồn lâu đời của ông cha ta.

– Mục tiêu truyền thông:
Lễ hội Làm Chay là cơ hội để quảng bá cho công chúng cả nước hiểu thêm về một nét văn hoá đặc sắc của vùng đất giàu truyền thống Long An.

Theo thông lệ, trước ngày diễn ra lễ hội vào đầu tháng Chạp hằng năm, Ban quản trị đình đều tổ chức họp triển khai, phân công công việc cụ thể.
Thành phần họp bao gồm: các bô lão, các vị đại diện Uỷ ban nhân dân, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, trưởng khóm, dân phòng, công an, y tế… của thị trấn Tầm Vu.

Nội dung bàn bạc chủ yếu là:
– Ban quản trị trình bày chương trình và kế hoạch tổ chức lễ Làm Chay và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu.
– Thành lập các ban điều hành phục vụ lễ Làm Chay.

Lễ rước vong tiến hành ở cả hai phía: phía đường sông thì rước bằng thuyền; phía đường bộ rước vong bằng ban rước vong được thành lập từ trước gồm đội lân, ban hành lễ cùng hàng ngàn người vai yêu ma quỷ quái theo cùng. Rước vong xuất phát từ khu hành lễ đi qua các xã có đặt điểm hành lễ mà người dân xây dựng từ trước lần lượt qua các xã: Long Trì, An Lục Long, Thanh Phú Long, Thuận Mỹ, Phước Tân Hưng, Nghĩa Trang Phú Ngãi Trị, Miễu Bà Cố, Hiệp Thạnh và Vĩnh Công, Hòa Phú, rồi quay về lại.

Tối tại khu hành chính lễ chính tại sân đình Tân Xuân. Tại giàn Ông Tiêu (Giàn thí thực) một con heo quay (lớn nhỏ tùy theo năm vụ mùa có bội thu) được bày ra cùng bánh trái, nhang đèn. Bên ngoài sân lễ, các hoạt động khác diễn ra sôi nổi với chương trình xe đăng du hành. Dưới nước ghe đăng được trang trí lộng lẫy đi rước vong linh bá tánh ở sông Tầm Vu. Trên bộ thì đoàn Tam Tạng đi thỉnh kinh, đánh động yêu quái trừ tà ma, bệnh tật cho dân lành… Sau đó tất cả các đoàn tập trung về khu hành lễ chính.

Khu hành lễ diễn ra các hoạt động cầu siêu, cầu an tất cả các linh hồn, nghĩa sĩ. Đúng 24 giờ đêm 16/1 là lễ xô giàn Ông Tiêu. Người đi lễ tranh nhau giành đồ cúng mong tìm được chút lộc đầu năm. Ai tranh được cái lưỡi của Ông Tiêu là năm đó làm ăn phát tài nên mọi người chen nhau tìm. Sau 24 giờ, mọi nghi lễ đã xong xem như bá tánh đã chứng cho tấm lòng của người dân thị trấn Tầm Vu, một tàu tống gió sẽ đưa ra sông cho mọi thứ trở về chốn cũ.

Mọi nghi thức trong lễ Làm Chay đều mang một ý nghĩa riêng nhưng các lễ này đều quy về 2 mục đích là cầu an & cầu siêu. Cầu an cho cộng đồng và cầu siêu cho những người đã khuất. Lễ hội cũng là dịp quảng bá những đặc trưng độc đáo trong văn hoá ẩm thực được cúng tế trong Lệ Làm Chay.

Lệ Làm Chay ở TT Tầm Vu, huyện Châu Thành được nhận định là một lễ hội dân gian đặc sắc của địa phương vì nó quy tụ được các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau tham gia chung một lễ hội.

Mặc dù đây chỉ là một sinh hoạt văn hoá dân gian tại địa phương nhưng không gian ảnh hưởng của nó rất lớn, không chỉ giới hạn ở một huyện, một xã. Nếu có kế hoạch khai thác, quảng bá một cách hiệu quả và chuyên nghiệp thì sức lan toả còn rộng khắp hơn nữa.

Nhóm tác giả:

La Phi Long
Thân Hồng Hà
Nguyễn Trần Hoàng Phương
Trần Huỳnh Thị Kiều Hương
Nguyễn Hoàng Anh Như
Hồ Thị Phương

Tài liệu tham khảo:

1. Aronsson, L. (2000). The Development Of Sustainable Tourism: Continuum.
2. Đặng Văn, X. (2009). Du Lịch Long An Với Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững-Hội Nhập Thành Công.
3. Foster, D. I. (2005). Công Nghệ Du Lịch. In: Thống Kê.
4. Giao, H. N. K. (2011). Giáo Trình “Marketing Du Lịch”. Retrieved From
5. Harris, R., Williams, P., & Griffin, T. (2012). Sustainable Tourism: Routledge.
6. Hòe, N. Đ., & Hiếu, V. V. (2001). Du Lịch Bền Vững. NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội.
7. Jansen-Verbeke, M., & Go, F. (1995). Tourism Development In Vietnam. Tourism Management, 16(4), 315-321.
8. Lưu, N. V. (1998). Thị Trường Du Lịch. NXB Đại Học Quốc Gia, Hà Nội.
9. Phan, H. X. (2017). Nhận Thức Về “Văn Hóa Du Lịch” Và “Du Lịch Văn Hóa”.
10. Thức, N. V. (2011). Tiềm Năng, Thực Trạng Và Định Hướng Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Tỉnh Long An Cho Phát Triển Du Lịch Bền Vững: Luận Văn Thạc Sĩ Địa Lý Học Chuyên Ngành Địa Lí Học (Trừ Địa Lí Tự Nhiên).
11. Nguyễn Thu Thuỷ (2016), Nghiên Cứu Mô Hình Quản Lý Carnaval Hạ Long: Luận Án Tiến Sĩ Văn Hóa Học, Viện Văn Hóa Nghệ Thuật Quốc Gia Việt Nam.
12. Võ Trường Kỳ (2004), Lễ Hội Làm Chay Đình Dương Xuân Hội (Huyện Châu Thành), Chi Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam, Tỉnh Long An.